Web Analytics

Lựa chọn khoảng thời gian giữa 2 mũi vắc-xin

Nói một cách ngắn gọn thì thời gian tối ưu giữa 2 mũi tiêm là 8 tuần cho mRNA (Pfizer, Moderna) và 12 tuần cho AstraZeneca. Với các loại vắc-xin khác, chúng tôi chưa tìm ra tài liệu. Trong bài viết “Một góc nhìn định lượng cho vắc-xin”, chúng tôi mới kịp nói qua về khoảng thời gian giữa hai mũi. Chúng tôi xem xét kỹ hơn vấn đề này do:

  • Một số nơi rút ngắn khoảng thời gian giữa 2 mũi;
  • Việc tiêm mũi thứ 3 là rõ ràng với các vắc-xin hiện có;
  • Cần nâng hiệu quả 2 mũi đầu tiên để kéo dài thời gian từ mũi 2 đến mũi 3, đặc biệt khi nguồn cung cho mũi thứ 2 trở đi còn hạn chế.

Để vừa dễ hiểu, vừa phù hợp với tình hình hiệu quả chống lây nhiễm của vắc-xin chưa hoàn thiện, ta chỉ tập trung vào vấn đề tử vong. Một người lành bị tử vong trực tiếp do Covid cần trải qua các giai đoạn:

  • Bước 1: tiếp xúc với nguồn bệnh,
  • Bước 2: bị nhiễm bệnh,
  • Bước 3: không qua khỏi.

Nếu bạn xét vai trò của vắc-xin trong việc giảm rủi ro tử vong do Covid, thì bạn cần xét cả quá trình 3 bước. Cụ thể là:

  • Hiệu quả chống tử vong của vắc-xin (bước 3),
  • Hiệu quả chống mắc bệnh của vắc-xin (bước 2),
  • Kích thước của đại dịch (nguyên nhân lớn nhất tác động đến bước 1) và hiệu quả chống truyền bệnh của vắc-xin.

So sánh 1-mũi và 2-mũi-cách-4-tuần trong khoảng thời gian 5-12 tuần: nếu 2 mũi vắc-xin tăng hiệu quả chống tử vong, nhưng lại làm giảm hiệu quả chống nhiễm bệnh so với 1 mũi, thì 2 mũi có thể chả giúp mấy cho việc giảm rủi ro tử vong.

So sánh 4 hay 12 tuần giữa 2 mũi: Nếu 4-tuần chỉ giúp giảm rủi ro tí xíu so với 1-mũi trong khoảng thời gian 5-12 tuần, và 12-tuần giúp giảm rủi ro cực lớn so với 4-tuần từ tuần thứ 13 trở đi, thì bạn có tí xíu lợi thế từ tuần thứ 5-12, nhưng lại gặp bất lợi lớn từ tuần thứ 13 trở đi cho tới khi bạn có cơ hội tiêm mũi thứ 3 (chưa có nghiên cứu về 4 hay 12 tuần giữa 2 mũi đầu sẽ ảnh hưởng đến mũi thứ 3 ra sao).

Kích thước đại dịch: Nếu 12-tuần giúp giảm quá trình lây nhiễm nhiều hơn so với 4-tuần khi tính từ tuần 13 trở đi, thì nó giúp ta kiểm soát kích thước đại dịch trong phần lớn khoảng thời gian (tuần thứ 13 trở đi thay vì chỉ từ tuần thứ 5-12). Khi kích thước nguồn bệnh nhỏ đi, thì rủi ro bạn bị tử vong giảm đi.

Canada (Google translate sang tiếng Việt) vẫn cho rằng kéo dài thời gian giữa 2 mũi tiêm lên 8 tuần cho vắc-xin mRNA (Pfizer, Moderna) là tốt nhất, và thời gian đó là 8 tuần trở lên cho AstraZeneca (do kết quả giữa British Columbia và Quebec khác nhau)1,2. Nghiên cứu từ Anh cho thấy 12 tuần là tối ưu cho AstraZeneca (chủng cũ)3. Nghiên cứu từ Canada trái với hướng dẫn của nhà sản xuất mRNA, tuy nhiên hướng dẫn của nhà sản xuất có thể có một số hạn chế nhất định. Ví dụ thử nghiệm lâm sàng sẽ dễ dàng hơn khi khoảng thời gian giữa hai mũi ngắn hơn. Ngoài ra các nhà sản xuất thường muốn bán nhiều hàng, nên dân tiêm càng nhiều thì càng tốt cho họ.

Úc rút ngắn thời gian tiêm thành 4 tuần cho AstraZeneca, nhưng chúng tôi không thấy họ nêu lý do rõ ràng. Họ đang thừa vắc-xin, người dân thường chọn mRNA và họ có nguy cơ vứt đi 7 triệu liều AstraZeneca (Google translate sang tiếng Việt). Để không mất trắng số đó hoặc phải đem cho, họ có lý do để rút ngắn thời gian giữa hai mũi tiêm cho AstraZeneca. Họ giàu có và thừa vắc-xin nên họ có thể tiêm mũi 3 hay 4 nhanh chóng khi cần.

Các phần dưới đây sẽ đi sâu hơn vào chi tiết.

1. Hiệu quả chống tử vong

1.1. Trường hợp 1: Tính tỉ lệ tử vong trong số những người đã mắc bệnh

Hiệu quả chống tử vong trong các nghiên cứu thường được tính bằng cách so sánh tỉ lệ tử vong giữa nhóm 1 và nhóm 2, trong đó nhóm 1 là những người “đã tiêm vắc-xin rồi bị nhiễm bệnh”, và nhóm 2 là những người “chưa tiêm vắc-xin và bị nhiễm bệnh”.

Vậy nói một cách chi tiết hơn thì đó là hiệu quả chống tử vong sau khi đã bị nhiễm bệnh.

Hiệu quả được tính bằng:

1 – (tỉ lệ tử vong trong nhóm 1) / (tỉ lệ tử vong trong nhóm 2).

1.2. Trường hợp 2: Tính tỉ lệ tử vong cho cả quá trình từ khi còn là người lành

Rõ ràng không nhiễm bệnh thì không bị chết vị bệnh đó, nên ta xét quá trình đầy đủ:

  • Bước 1: bị nhiễm bệnh,
  • Bước 2: tử vong.

Coi như hai bước đó chả liên quan gì nhau (độc lập), thì khả năng tử vong sẽ là tích của các khả năng tử vong ở mỗi bước.

Tiêm

Xác suất mắc bệnh

Xác suất tử vong sau khi mắc

Xác suất tử vong

Ghi chú

0 mũi

a

b

c = a*b

Chủng gốc/Alpha cho mắc, chủng Delta cho tử vong

1 mũi

a * 28% 3

b * 20 % 4

c * 5,6%

2 mũi (khoảng cách 4 tuần)

a * 45% 3

b * xx % (xx có thể giữa 5% và 20%, tạm gán 10%)

c * 4,5%

2 mũi (khoảng cách 12 tuần)

a * 19% 3

b * 5% 4

c * 0,95%

Ghi chú: Chủng gốc và chủng Alpha được dùng để tính xác suất mắc bệnh, chủng Delta được dùng để tính xác suất tử vong. Chúng tôi chưa có thời gian để tìm nghiên cứu đề cập xác xuất mắc bệnh đối với chủng Delta cho cả 3 trường hợp 1 mũi, 2 mũi cách 4 tuần, và 2 mũi cách 12 tuần. Nếu ta giả thiết rằng chủng Delta sẽ làm giảm các hiệu quả với tỉ lệ như nhau cho các trường hợp, thì bảng trên vẫn dùng được để so sánh 3 trường hợp.

Nếu bạn chọn tiêm 2 mũi cách 4 tuần thay vì 12 tuần, thì bạn có 1 chút ưu thế trong khoảng thời gian 5-12 tuần, nhưng lại bị bất lợi lớn sau 12 tuần (so với người chọn 12 tuần). Khi tính xác suất chung về tử vong cho cả 1 quá trình cho tới khi bạn có cơ hội tiêm mũi thứ 3, thì dường như lùi lại tiêm 12 tuần tốt hơn.

Phân tích có những hạn chế nhất định, ví dụ như theo ghi chú ở trên.

Phân tích đến đây là còn rất thiếu, vì nó mới đề cập đến rủi ro cho một cá nhân chứ chưa nhìn lên mức toàn xã hội.

2. Xác suất tử vong

Ở trên mới tính hiệu quả, nghĩa là so sánh 2 nhóm, chứ chả biết c là bao nhiêu. Để biết xác suất tử vong thì cần c. Kích thước của đại dịch và hiệu quả chống truyền bệnh là các yếu tố quan trọng nhất tác động tới c. Hiệu quả chống truyền bệnh của vắc-xin sẽ làm giảm nguy cơ nguồn bệnh truyền bệnh cho bạn.

Ví dụ xã hội chả có ai mắc bệnh (kích thước = 0), thì lây đâu ra nguồn bệnh để mà một người lành bị nhiễm (a = 0). Nên dù xác suất tử vong khi nhiễm bệnh là bao nhiêu (b = 100% đi nữa) thì cũng không ai quan tâm (do c = 0 * b = 0).

Trong phần trên, ta mới so sánh giữa người chưa tiêm vắc-xin và người có vắc-xin. Điều đó có nghĩa là khi nguy cơ của người chưa tiêm vắc-xin tăng (c tăng), thì nguy cơ của người có vắc-xin cũng tăng.

Khi nào nguy cơ của người chưa tiêm vắc-xin tăng? Khi kích thước đại dịch tăng. Lúc đó khả năng gặp người bệnh tăng, và khả năng bạn bị nhiễm bệnh tăng lên.

Đến đây ta thấy vắc-xin đóng một vai trò quan trọng trong việc làm giảm xác suất mắc bệnh, vì nó giúp kiểm soát bệnh dịch dễ hơn, từ đó giúp làm giảm kích thước đại dịch. Vậy thì việc rút ngắn thời gian giữa 2 mũi còn 4 tuần dường như càng bất lợi.

3. Phụ lục

Hiệu quả chống nhiễm bệnh có triệu chứng của 1 mũi vắc-xin 3.

 

Hiệu quả chống nhiễm bệnh có triệu chứng của 2 mũi vắc-xin 3.

 

Hiệu quả chống mắc bệnh và nhập viện theo khoảng thời gian giữa 2 mũi 1.

Tài liệu tham khảo

1.  Skowronski, D. M. et al. Two-dose SARS-CoV-2 vaccine effectiveness with mixed schedules and extended dosing intervals: test-negative design studies from British Columbia and Quebec, Canada. medRxiv 2021.10.26.21265397 (2021). doi:10.1101/2021.10.26.21265397

2.  Advisory Committee Statement (ACS) & National Advisory Committee on Immunization (NACI). Recommendations on the use of COVID-19 vaccines. (2021).

3.  Voysey, M. et al. Single-dose administration and the influence of the timing of the booster dose on immunogenicity and efficacy of ChAdOx1 nCoV-19 (AZD1222) vaccine: a pooled analysis of four randomised trials. Lancet (London, England) 397, 881–891 (2021).

4.  SAGE. COVID 19 Vaccine Effectiveness Table – 24 September 2021.

Bình luận:

Chưa có bình luận nào.

Thông tin bình luận:

Chưa nhập họ tên.
Chưa nhập email.