Web Analytics

Một giải pháp

Một giải pháp

Chúng tôi trước tiên đánh giá các chính sách hiện nay để thấy các yếu điểm, sau đó chúng tôi đưa ra một giải pháp. Chúng tôi chỉ tập trung vào phần đánh giá cấp độ dịch và luật di chuyển.


1. Đánh giá các chính sách hiện nay

Do ở Việt Nam (VN), các chính sách về dịch bệnh COVID-19 được đưa ra mà hiếm khi trích dẫn một báo cáo khoa học công khai nào, nên cách duy nhất chúng tôi có thể làm là phân tích các chính sách từ Chính phủ. Bộ Y tế (BYT) đã đưa ra ba quyết định (QĐ) về tiêu chí kiểm soát dịch bệnh và thang đo: QĐ2686/QĐ-BCĐQG (31/05/21), QĐ3989/QĐ-BYT (18/08/21), và QĐ4800/QĐ-BYT (12/10/21). Chúng tôi đã phản biện QĐ2686 trong báo cáo tại Viện Toán học (trang 30-31, ngày 26/08/21) và phản biện QĐ3989 trong báo cáo nhanh (trang 16, ngày 19/09/21). Các QĐ2686 và QĐ3989 đã bị loại bỏ tạm thời theo nghị quyết NQ128/NQ-CP phần nào cho thấy sự hợp lý trong các phản biện trước đây của chúng tôi. Trong phần này chúng tôi xem xét NQ128 và QĐ4800. Do NQ128 và QĐ4800 đi kèm với nhau và ra cách nhau 1 ngày, nên ta không thể phân tích mỗi cái tách rời.

Mục đích của NQ128 và QĐ4800 là chuyển từ 0-Covid sang với sống chung. Cái khó ở đây là giai đoạn chuyển đổi bao giờ cũng lỡ cỡ và khó khăn giữa cũ và mới. Ưu điểm của NQ128 là:

  • Phân loại cấp độ dịch theo 4 mức nguy cơ cho cấp nhỏ nhất là cấp xã. Không phong tỏa cả huyện hay tỉnh như trước nếu dịch chỉ xảy ra ở một phạm vi hẹp cấp xã. Đưa ra bộ khung các tiêu chí để đánh giá nguy cơ.
  • Yêu cầu tối thiểu 48 tiếng trước khi thay đổi cập độ dịch để người dân kịp chuẩn bị.
  • Đưa ra danh sách các biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch.
  • Tạm thời ngừng Nghị quyết 86/NQ-CP, các Chỉ thị 15/16/19, và Quyết định 2686/QĐ-BCĐQG.

NQ128 chỉ đưa ra bộ khung các tiêu chí để đánh giá nguy cơ, còn cụ thể thế nào là trong QĐ4800. Ưu điểm của phần I về đánh giá cấp độ dịch của QĐ4800 là:

  • Tham khảo hướng dẫn của WHO (xuất bản ngày 14/06/2021) nên các tiêu chí đưa ra phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
  • Tiêu chí phù hợp với tình hình phải hướng tới sống chung với dịch bệnh hiện nay ở VN.

Bây giờ chúng tôi phân tích các yếu điểm. Yếu điểm lớn nhất là lờ mờ không rõ ràng nên khó áp dụng. Đối với NQ128:

  • Nội dung đánh giá cấp độ dịch chưa rõ ràng nên có nơi bảo chỉ đánh giá cấp xã/phường, có nơi thì đánh giá cả cấp tỉnh.
  • Tách khỏi QĐ4800 thành 2 văn bản thì khó theo dõi và áp dụng. Ví dụ luật di chuyển thì trong NQ128 nhưng cấp độ dịch thì trong QĐ4800.

QĐ4800 chỉ trích dẫn một tài liệu khoa học duy nhất là hướng dẫn từ WHO. Hướng dẫn của WHO đã tô đậm “The resultant situational levels should only be considered indicative, because they may not correspond well to the response required in a specific context and to the COVID- 19 control objectives of the country”. Như vậy WHO nói là tài liệu của WHO chỉ để tham khảo, các nước tự điều chỉnh. Điều này là dễ hiểu vì thế giới không có một giải pháp chung và mỗi nước một hoàn cảnh. Một thang đo do WHO đưa ra không thể phù hợp với mọi nước trên thế giới. Chúng ta đi sâu hơn từng tiêu chí.

  • Tiêu chí 1: Dùng các mức được nêu bởi WHO mà không trích dẫn nghiên cứu nào để cho thấy nó có phù hợp với VN không. Ví dụ ta xét một tỉnh có 120 ca/tuần/100k dân (thậm chí có thể thay 120 bởi 149) và có độ phủ vắc-xin 1 mũi cho 18 tuổi trở lên dưới 70%. Do bây giờ mới tháng 10-11 nên tỉnh này không cần nâng cấp độ dịch lên cấp 4 nếu người 50 tuổi trở lên chưa được tiêm đủ 80%. 120 ca/tuần/100k dân tương ứng với 171 ca/ngày cho một tỉnh có 1 triệu dân, hay là 1371 ca/ngày cho một thành phố 8 triệu dân. Nếu độ phủ vắc-xin thấp mà để đến mức đó vẫn chưa cấp 4 thì có lẽ toang mất rồi.
  • Tiêu chí 2: Tiêu chí này cũng tiềm ẩn nguy hiểm. Các nước mở khi phủ 2 mũi vắc-xin cho khoảng 60% dân 18 tuổi trở lên chứ không chỉ 1 mũi. Ngoài ra vì sao cấp độ dịch chỉ đến cấp 3 khi đã phủ 1 mũi vắc-xin cho người trên 18 tuổi 70%? Trong bài viết trước, ta biết rằng cho tới tháng 9/2021 đã có đã có hàng trăm nghiên cứu về sự giảm các loại hiệu quả của tất cả các loại vắc-xin hiện nay theo thời gian, nhưng các thông tin khoa học này không được sử dụng. Mới phủ 1 mũi 70% thì lượng bệnh nhân vẫn có thể ngập bệnh viện và ta vẫn phải phong tỏa. Chúng tôi xem tài liệu WHO mà BYT trích dẫn thì có bảng sau.

Bảng trên có nghĩa là cấp độ dịch tối đa mức 3 khi hệ thống vẫn đủ để đáp ứng. WHO đâu có nói là phủ vắc-xin đủ cao thì dịch chỉ tối đa ở mức 3? Cái WHO nói là khi hệ thống y tế quá tải thì dịch vẫn phải ở cấp 4. Dường như BYT hiểu sai ý của bảng trên. Cuối cùng thì vì sao lại chỉ có 2 mức trên và dưới 70% cho độ phủ vắc-xin? Điều này đơn giản hóa vấn đề, nhưng khi đơn giản hóa quá mức đến nỗi không phù hợp thực tế nữa thì có thể dẫn tới thảm họa.

  • Tiêu chí 3: Tiêu chí này về năng lực y tế và nó sẽ quyết định địa phương có khả năng kham nổi bao nhiêu ca. Vậy nên thang đo lập ra dựa trên các tiêu chí 1 và 2 thôi, rồi mới nói đến tiêu chí 3 là đã phá vỡ bộ tiêu chí. Ngoài ra tiêu chí này lờ mờ không rõ ràng như 2 tiêu chí trước khiến cho việc tính toán rất khó khăn. Giao một thuật toán lờ mờ cho địa phương là bất khả thi và làm khó địa phương.
  • Tất cả các yếu điểm trên được sửa chữa bằng cách cả 3 tiêu chí đều cho phép địa phương tự điều chỉnh. Vẫn là các địa phương tự làm thì sẽ dẫn đến đứt gãy liên thông. Ngoài ra các địa phương chưa chắc đã có chuyên gia để đánh giá khi mà trung ương còn chưa tổ chức được các chuyên gia của mình. Chúng tôi trích dẫn QĐ4800 và đặt trong ngoặc kép để ta thấy rõ.

Đưa ra bộ tiêu chí không cụ thể như vậy mà bảo không làm theo sẽ cắt chức thì thật muốn người ta làm theo hay muốn cắt chức người ta đều cũng cực khó. Gần đây việc thủ tướng yêu cầu BYT đánh giá cho địa phương là một sửa chữa đúng. Trung ương phải đảm nhận vai trò tính toán, địa phương chỉ cung cấp dữ liệu. Chúng tôi đã nói về vấn đề này trong các phản biện trước đây. Tuy nhiên BYT có thể không mạnh về mảng tính toán, nên trung ương cần trực tiếp lập nhóm chuyên gia đa ngành. Tiếp theo ta tổng kết nhược điểm tổng thể của cả 2 văn bản:

  • Chính phủ giao mình BYT làm các vấn đề như cấp độ dịch và luật di chuyển là không phù hợp. Bệnh dịch là vấn đề toàn xã hội và cần một hội đồng gồm nhiều chuyên gia từ các ngành. Chúng ta có thể tham khảo mô hình đó ở Anh hay Đức. Lãnh đạo cấp cao nhất phải đứng ra trực tiếp lựa chọn và kết nối các chuyên gia trong nhiều ngành để lên kế hoạch khoa học và chi tiết. Ví dụ làm mô hình thì cần các chuyên gia có năng lực về toán học, nhưng dường như các Viện hay trường nghiên cứu toán học hàng đầu ở VN không được lựa chọn để xây dựng hay phản biện mô hình. Các mô hình của Chính phủ hay Ban chỉ đạo phòng chống dịch sử dụng không hề có báo cáo khoa học công khai để các chuyên gia khác có thể phản biện. Theo đơn đặt hàng của Chính phủ thì dường như lãnh đạo VN nhận ra là Chính phủ thậm chí còn chưa có mô hình nào dù dịch bệnh đã hơn 18 tháng.
  • Tạm thời dừng các hướng dẫn cũ trong khi chưa có một hướng dẫn mới cụ thể, thì quá trình chuyển đổi vốn đã khó khăn sẽ có thể rơi vào hỗn loạn. Chỉ tiêu đánh giá cấp độ dịch, biện pháp áp dụng, và nhiều hướng dẫn lờ mờ. Ví dụ đối với vận tải hành khách, hoạt động hạn chế, có điều kiện nghĩa là gì?
  • Luật di chuyển hiện nay gây ra rủi ro rất lớn cho các vùng có độ phủ vắc-xin thấp. Chúng ta xét một ví dụ để hiểu tình hình. Hình dung Campuchia đã tiêm 100% dân số 3 mũi vắc-xin loại xịn nhất, nhưng Lào chưa tiêm gì. Cả Campuchia và Lào không phong toả. Như vậy có ổn ko? Có ở cấp độ quốc gia. Bây giờ Campuchia muốn mở cửa với Lào, thế Lào có chịu không? Không vì vắc-xin hiện nay chỉ giúp giảm khả năng bị nhiễm và truyền bệnh, chứ không ngăn chặn hoàn toàn. VN đang y như thế khi mà: độ phủ vắc-xin chênh lệch lớn giữa các tỉnh, và năng lực y tế cũng chênh lệch lớn giữa các tỉnh. Vắc-xin và năng lực y tế là 2 trong 3 tiêu chí mà có sự chênh lệch lớn thì dùng chung một luật di chuyển là nguy hiểm. Vừa rồi đánh giá cấp độ dịch cả nước theo tài liệu mới thì các tỉnh đều cấp 1 hoặc 2. Như vậy người từ vùng dịch về các nơi có độ phủ vắc-xin thấp không cần xét nghiệm hay bị kiểm soát chặt. Chính phủ đã đánh giá sai tình hình và ra các thông tin không rõ ràng như thế này thì rất nguy hiểm, tạo tâm lý chủ quan cho người dân. BYT đã ra công điện 1700/CĐ-BYT vào 25/10/21 để sửa chữa một phần, nhưng nội dung vẫn chung chung.

2. Một giải pháp

Chúng ta đã buộc phải chuyển từ 0-Covid sang sống chung thì cần tham khảo các nước đã sống chung hơn 1 năm như là các bài học lịch sử. Theo cách nhìn của chúng tôi thì ta cần lấy bệnh dịch làm trung tâm vì nó là nguyên nhân chính. Xét nghiệm, truy vết, vắc-xin, điều trị, và công nghệ v.v. là các yếu tố rất quan trọng, tuy nhiên chúng là các công cụ chứ không phải là nguyên nhân. Bệnh dịch là tương tác giữa xã hội và vi-rút thì ta cần hiểu về xã hội và vi-rút.

Để làm rõ hơn quan điểm trên, chúng ta cùng nhìn lại. Trước khi có chủng Delta, nhiều người ở VN có thể nghĩ rằng các công cụ xét nghiệm và truy vết là đủ để giải quyết vấn đề, ít nhất là cho tới khi có vắc-xin. Thế rồi trong chưa đầy 1 năm các chủng mới lần lượt ra đời với các hệ số lây nhiễm tăng dần từ 2 lên 3,4, rồi lên 5. VN đóng cửa và kiểm soát dịch bệnh tốt nên có ưu thế là các chủng mới tới VN muộn. Các công cụ xét nghiệm và truy vết vẫn đủ mạnh để chiến thắng nhiều lần nên ta càng tự tin và chủ quan, cho đến khi Delta vào thành phố lớn thì toang. Chúng ta có năng lực truy vết mạnh, và có hơn 1 năm chiến thắng. Đáng ra chúng ta có nhiều thời gian để phát triển các công cụ giám sát vi-rút nhưng chúng ta không làm. Delta đã tung hoành ở các nước khác vài tháng, và đã có nhiều nghiên cứu khoa học (như về hệ số lây nhiễm cơ bản hay khoảng thời gian nối tiếp được đề cập trong bài viết trước), nhưng dường như chúng ta cũng không tham khảo.

Vắc-xin là công cụ số một, tuy nhiên nó vẫn chỉ là công cụ. Hiện nay nếu ta cho rằng vắc-xin sẽ giải quyết vấn đề, thì ta sẽ lặp lại sai lầm cũ. Ta cần hiểu là các công cụ bao gồm cả xét nghiệm, truy vết, và vắc-xin hiện nay (chúng tôi nhấn mạnh là vắc-xin hiện có) v.v. là không đủ, vì vắc-xin hiện nay chưa hoàn thiện, một chủng mới có thể xuất hiện, và ta chưa tự chủ vắc-xin cũng như thuốc điều trị.

Vậy là ta phải đi về gốc là nguyên nhân, đó là xã hội và vi-rút. Với xã hội, ví dụ ta nâng cao ý thức 5K là đúng đắn, và chúng tôi không đi sâu các mặt xã hội (tuy rằng nguyên nhân sâu xa và một giải pháp dài hạn có lẽ nằm ở đây). Với vi-rút, ta phải có một cách để đánh giá đối thủ: đó là một hệ thống giám sát. Các nước tiên tiến đều xây dựng hệ thống giám sát bao gồm nhiều thành phần như đo đạc tỷ lệ từng chủng vi-rút trong xã hội, serosurvey, hệ thống web thu thập thông tin rồi phân tích, mô hình v.v..

Như đã đề cập ở trên, ở VN dường như Chính phủ không có mô hình nào. Nếu có thì cũng không thấy báo cáo khoa học công khai nào để các chuyên gia đánh giá chất lượng. Đã có một số mô hình kém chất lượng được đem ra sử dụng ở cấp độ tỉnh/thành phố khiến cho xã hội mất niềm tin vào khoa học. Đã có những thông tin như là tin giả được các chuyên gia nào đó tư vấn (xem bài viết trước) khiến cho các lãnh đạo cấp cao tuyên bố những thông tin sai lệch như “xóa chu kỳ lây nhiễm” hay “chu kỳ chủng mới chỉ từ 4 - 8 tiếng”. Tất cả các điều này làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin vào khoa học, làm méo mó những mô hình sử dụng các thông tin khoa học chuẩn xác, và là dấu hiệu cho thấy các lãnh đạo chưa chọn đúng chuyên gia tư vấn.

Chúng tôi đã cho nhiều ví dụ về việc các nước tiên tiến tính toán hệ số lây nhiễm và dự báo. Những dấu hiệu trên ở VN khiến chúng tôi thấy cần làm rõ hơn nữa để khẳng định vai trò của mô hình. Chúng tôi thêm vài ví dụ dưới đây về vai trò của mô hình.

Ví dụ 1 (Ảo giác số ca đi lên): Nếu chỉ quan sát số ca đi lên trong nhiều ngày thì có thể nói rằng tình hình đang xấu đi không? Không.

Như đề cập trong bài viết trước, chúng tôi khẳng định tình hình TP. Hồ Chí Minh (HCM) không đáng lo khi mà số ca lên cao nhất trong báo cáo ngày 03/09.

Ví dụ 2 (Ảo giác số ca đi xuống): Nếu chỉ quan sát số ca đi xuống trong nhiều ngày thì có thể nói rằng tình hình đang tốt lên không? Không.

Chúng ta xét một ví dụ. Khi TP. HCM và nhiều tỉnh nới lỏng đầu tháng 10/21, đến cuối tháng 10 rất nhiều người bị ảo giác này đánh lừa và cho rằng mở cửa mà vẫn tốt lên. Mô hình của chúng tôi cho thấy tình hình đang xấu đi vì hệ số lây nhiễm (đường màu đỏ) liên tục tăng chậm dần từ khoảng 02/10 cho tới nay (liên tục 4 tuần) và đã vượt quá 1 vào khoảng 18/10.

Chúng tôi giải thích để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn ảo giác này. Khi hệ số lây nhiễm là 0,6, thì cứ 10 người lây cho 6 người. Khi hệ số lây nhiễm tăng lên 0,9, thì cứ 10 người lây cho 9 người. Cả hai tình huống đều dẫn đến số ca đi xuống, nhưng tình huống 2 xấu hơn.

Một điều nguy hiểm của bệnh dịch là nó có thể xấu đi từ từ, và khi hệ số lây nhiễm đã trên 1 thì số ca tăng rất nhanh theo cấp số nhân. Ai học toán cũng hiểu cấp số nhân là khủng khiếp. Bệnh dịch và vay nặng lãi có lẽ là các ví dụ thực tế mạnh mẽ nhất về cấp số nhân.

Ví dụ 3 (Ảo giác kiểm soát dịch): Chúng ta có thể lấy tình hình TP. HCM làm ví dụ. Chúng tôi đã chỉ ra vì sao TP. HCM chưa bao giờ thực sự kiểm soát được bệnh dịch trong bài viết 09/07. Tình hình cứ xấu dần đi một cách chậm rãi rồi bùng nổ theo cấp số nhân và nhanh chóng vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Ví dụ 4 (Ảo giác số ca nhập viện hay tử vong đi xuống): Nếu chỉ quan sát số ca tử vong và/hoặc nhập viện đi xuống thì có thể nói tình hình tốt lên không? Không.

Ta xem xét quá trình từ khi mắc bệnh đến khi tử vong hoặc khỏi bệnh. Lần lượt các mốc thời gian là nhiễm bệnh, có triệu chứng hoặc được xét nghiệm ra nhiễm vi-rút, nhập viện hoặc tự điều trị, và cuối cùng là khỏi bệnh hoặc tử vong. Như vậy quan sát số ca nhập viện có độ trễ, và quan sát số ca tử vong là có độ trễ lớn nhất. Khi số ca đi xuống thì khoảng hơn 10 ngày sau ta mới thấy số tử vong đi xuống. Số ca có thể bắt đầu đi lên mà số tử vong lại vẫn đi xuống.

Ví dụ 5 (Hậu cần): Chúng tôi đã từng đưa ra các dự báo rằng số ca được phát hiện trong 21 ngày tới là 165 nghìn ở VN hay 88 nghìn ở TP. HCM với sai số dưới 6% nhằm giúp Chính phủ có thể chuẩn bị hậu cần. Ban đầu dịch mới bùng lên, chúng ta dự tính 10 nghìn, rồi 20 nghìn, v.v. giường hay chỗ cách ly. Nếu biết rằng số ca lên tới hàng trăm nghìn, thì chúng ta đã có thể nhanh chóng thay đổi chính sách sớm để đáp ứng.

Còn rất nhiều ví dụ nữa và các bạn có thể tham khảo các bài viết trước đây của chúng tôi khi chúng tôi đánh giá tình hình qua mô hình. Về việc đo đạc hệ số lây nhiễm, chúng tôi đã báo cáo khoảng 18 tháng trước vào tháng 04/2020. Chúng tôi đã cảnh báo đo đạc để đảm bảo vi-rút (hệ số lây nhiễm R) không mạnh hơn năng lực nhà nước (như các biện pháp truy vết, xét nghiệm, cách ly) và năng lực quần chúng (như các biện pháp 5K, giãn cách, phong tỏa toàn xã hội).

Báo cáo tháng 04/2020, trang 18

Chúng tôi báo cáo về mô hình và mã nguồn lần đầu vào cuối tháng 04/2020. Sau đó khoảng 2 tháng, chúng tôi hoàn thiện lý thuyết cơ bản và báo cáo vào 06/2020 với mã nguồn để có thể sử dụng ngay. Chừng đó có thể là đủ để tránh một thảm họa ở TP. HCM rồi lan ra nhiều tỉnh miền Nam. Rất tiếc là nó đã không được sử dụng nên chúng tôi đã phát triển thêm và phát hành hệ thống riêng tại https://onyx.vn/covid19/. Trong lúc đợi vắc-xin được phân phối công bằng cho các tỉnh, chúng tôi đề xuất luật di chuyển phải dựa trên cả số ca/100 nghìn dân và độ phủ vắc-xin để giảm thiểu rủi ro cho các địa phương có độ phủ vắc-xin thấp.


Từ các quan sát trên, chúng tôi cho rằng một giải pháp sẽ là:

  • Xây dựng một hệ thống giám sát. Điều này đã được rất nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đề cập.
  • Luật di chuyển phải được nghiên cứu kỹ càng hơn để giảm thiểu rủi ro cho các địa phương có độ phủ vắc-xin thấp. Chúng tôi đã đề xuất một giải pháp như đã nói ở trên.
  • Tham khảo và nghiên cứu các công cụ để tiến hành một cách khoa học và hiệu quả bao gồm các công cụ vắc-xin, xét nghiệm, truy vết, điều trị.
  • Xem xét các công nghệ giúp việc triển khai các kế hoạch là khả thi. Mãi gần đây ta mới hợp nhất được một mớ các ứng dụng là một tiến bộ quan trọng, tuy nhiên ứng dụng này còn nhiều hạn chế và chưa có một mô hình lõi đủ tốt.
  • Việc lựa chọn các nhà khoa học phải do cấp cao nhất lựa chọn để đảm bảo khách quan và có trách nhiệm chọn đúng người, chứ không thông qua một số Bộ. Lý do là cần nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực tham gia. Giao cho một số Bộ thì không đủ chuyên môn hoặc khách quan để lựa chọn các chuyên gia nhiều ngành.
  • Các dự án quan trọng phải có báo cáo khoa học công khai để phản biện (như các nước Anh, Đức, v.v. làm), không thể làm sau tấm rèm. Như nhiều dự án mô hình tại sao tới giờ dịch đã hơn 18 tháng chưa có công bố gì?
  • Cần đánh giá năng lực của VN để lựa chọn hướng đi. Rõ ràng và dễ biết rằng cần có vắc-xin tốt hơn, xét nghiệm nhanh, nhiều, rẻ là tốt hơn. Nhưng liệu có làm được không? Nếu làm được thì làm được hướng nào? Đã có ai xem là với nguồn lực và công nghệ hiện có, ta có thể tính toán để làm tốt hơn không thay vì phải lệ thuộc công nghệ nước ngoài hoặc đợi cấp cao hơn chỉ đạo?
  • Nếu có ý tưởng hay dự án mới thì nên tham khảo thế giới đã làm gì và đến đâu mảng đó (literature review).
  • Nếu không tìm ra chuyên gia thì đưa một số dự án ra cộng đồng như Mỹ làm. Ai đưa ra được giải pháp tốt nhất sẽ được chọn. Khi mọi thứ công khai phản biện thì việc lựa chọn này không khó.

trunght@onyx.vn 

Bình luận:

Chưa có bình luận nào.

Thông tin bình luận:

Chưa nhập họ tên.
Chưa nhập email.